Thứ Hai, 18 tháng 7, 2011

Có Một Ngày


Nhạc: Phú Quang
Lời: Nguyễn Khoa Điềm
Trình bày: Phương Anh
Có một ngày em không yêu anh
Em trở về nơi xa với chiếc áo anh chưa tìm thấy
Có một ngày em cười bằng ánh sáng của nụ hôn khác
Những nỗi buồn của mùa mưa khác
Những buồn vui anh không có bao giờ
Ngày em không yêu anh
Em tràn ngập niềm vui rời xa căn nhà cũ
Chiếc áo sờn vai em đã thay bằng màu áo khác
Ngày ấy anh bắt đầu bằng bước chân của ngày quên em
Anh đã là một chàng trai với màu tóc khác
Riêng năm tháng cuộc đời vẫn như ngày xưa.
Có Một Ngày...
Có những niềm vui mang tên nỗi buồn.




Con đường đổ lá một chiều tháng 4. Đó là con đường nhỏ với hai hàng cây tán lớn luôn rậm rì chia bóng râm xuống từng con ngõ nhỏ trải sỏi. Bởi vậy nắng lúc nào cũng lơ lửng chỉ trên gác mái những tòa nhà lớn cổ kính mà thôi. Thẫn thờ trong không gian nắng nhàn nhạt ấy, mùa hạ bây giờ đi tìm sự khởi đầu mới. Một sự bắt đầu trong hân hoan chờ đón nắng. Một bắt đầu gieo mầm ấm cho hết đông tàn. Cũng như bao con người đang từng ngày đổi thay, con đường này đã chứng kiến những mùa xuân hạ chia xa rồi lại tới. Nó thắc mắc số phận đẩy đưa rồi có cho những người đã nói tạm biệt rồi sẽ gặp lại như khúc giao hưởng của bốn mùa. Và không chỉ có con đường mà một ngôi nhà cổ nơi góc phố cũng mong chờ điều ấy…
Chia xa.
Là một ngày không có hoàng hôn. Bầu trời hiu hiu gió chẳng buồn đẩy đưa cả chiếc lá chỏng chơ cuối cùng. Những gốc cây già cỗi im lìm co ro trong cái lạnh chỉ kịp khoác vội lên mình tấm vỏ áo xù xì. Bên lối đi dẫn tới bậc thềm ngôi nhà nhỏ bé nhất phố có tiếng bước chân ai đó lạo xạo trên sỏi. Trên tay người ấy là một chậu hoa nhỏ lung lay những bông hoa xiu xíu. Mái tóc xõa dài trên gương mặt gầy nhẳng và đôi mắt thẳm mênh mang buồn. Đặt xuống cạnh cửa ra vào đám hoa nhỏ, cô gái ngước nhìn lên gác mái. Nơi ấy sẽ có người cô chẳng còn được gặp lại. Nơi ấy giữ lại ánh mắt hân hoan, cái nhìn âu yếm và đôi môi dịu ngọt. Rồi phất theo chiếc khăn quàng cổ, cô gái quay mình bước trở ra. Một cơn gió cũng không lay động nhưng giọt nước mắt dài cứ hắt lại phía sau. Đám hoa trong chậu nhỏ lung lay, để tiễn đưa hay muốn vẫy gọi trở lại…
Nhạc sĩ: Phú Quang
 Các ca sĩ khác trình bày:
 
Quên.
Người ta muốn rũ bỏ điều gì thì sẽ cố tìm cách để quên nó. Vậy đã mấy ai trên đời thực sự biết định nghĩa quên? Cứ vờ như không có, vờ như đã mất hay tảng lờ cả ý nghĩ nhỏ nhoi nhất – chỉ vô ích nếu nhớ rồi mà lại phải quên. Trong góc tối của căn phòng, người đối diện với ta chỉ có thể là nỗi nhớ. Nhớ người, nhớ tình, nhớ cả những buồn vui. Phải chi nỗi nhớ bị kẹt cứng đâu đó trong tiềm thức. Có phải như vậy thì ta sẽ quên được em rồi không. Nhưng căn phòng này không phải nơi tận cùng của thế giới và dưới những bậc thềm kia biết đâu lại đặt lại dấu chân em. Những gì đã qua không thể một ngày mà tan biến. Em biết không, ta chẳng còn được yêu nhau..
Có một ngày em không yêu anh
Em về nơi xa với chiếc áo anh chưa từng thấy
Có một ngày em cười bằng ánh sáng của nụ hôn khác
Những nỗi buồn của mùa mưa khác
Những buồn vui anh không có bao giờ

Khi yêu.
Hạnh phúc nhỏ bé lớn dần lên như một cái cây được chăm sóc bằng tình yêu. Nó sẽ đơm hoa, kết trái và sẽ có một màu quả ngọt. Với ánh sáng là nụ cười hồn nhiên, với nguồn nước là những niềm vui và từng ngày tươi đẹp trong sự ấm áp của tình cảm tràn căng. Anh và em tự nhiên đến với nhau và cùng ươm một mầm thương yêu. Không ai nghĩ rằng mai kia sẽ lại tìm đến khu vườn khác để tìm quả hạnh phúc. Nhưng điều đó giờ lại là hiện thực. Em sẽ bắt đầu với xúc cảm khác. Anh sẽ lại được người khác quan tâm. Và nếu những gì tốt nhất người ta làm được trong đời, ắt hẳn đó là quãng thời gian người ta được yêu. Sẽ không còn là của nhau nhưng ta vẫn có những mùa riêng..
Ngày em không yêu anh
Em tràn ngập niềm vui rời xa căn nhà cũ
Chiếc áo sờn vai em đã thay bằng màu áo khác
Ngày ấy anh bắt đầu bằng bước chân của ngày quên em

Bắt đầu.
Sáng nay mây vẫn lượn lờ một màu xám. Căn gác mái đã quá ngột ngạt những ngày qua. Cần phải lại gần hơn với cuộc sống trước khi nó cướp đi của ta niềm vui cuối cùng. Mở cánh cửa và nhìn ra con đường còn sương giăng mờ, chưa có ai chịu đựng cảm giác lạnh cóng mà ra đường vào một ngày như thế. Cánh cửa toan khép lại thì ánh nhìn của anh gặp những cánh hoa run rẩy ngay dưới góc cửa he hé. Là hoa xương rồng hơi tái đi vì gió và lạnh. Hình như là chậu hoa của một năm trước anh mua. Nhưng nó không thuộc về anh mà của một người khác.. Đó là những gì lại bắt đầu sau một năm hạnh phúc. Là sự khởi đầu của một ngày lành lạnh để có một buổi trưa nhạt nắng. Là một bước đi sau cuối và tiến thêm tới bắt đầu…
Với những gì ta để lại trong nhau.
Tháng năm sẽ là một liều thuốc tốt cho tinh thần. Để cười cho một hạnh phúc mới khi trong lòng đã lắng đọng day dứt yêu thương. Để bài hát với lời ca tràn đầy niềm vui dù được viết trên những giai điệu slow tha thiết. Để cho nỗi nhớ không hẳn phải tìm quên mà hãy để những yêu thương rời xa trong nỗi nhớ.. Có ai trở thành một người khác đâu khi đứng trước kỷ niệm.
Và năm tháng cuộc đời vì thế vẫn nguyên vẹn trong nỗi nhớ của ngày xưa…

Chiếc Vòng Cầu Hôn

Sáng tác: Trần Tiến
Trình bày: Phương Thanh
Một sớm yên lành một người lính rời xa quê nhà
Mang theo chiếc vòng tay cầu hôn
Tỏa sáng dịu dàng, một khúc tình ca đợi chờ
Theo anh theo anh trên những con đường xa,
Ru anh ru anh trong những đêm vời xa vời xa
Vòng tay cầu hôn tình yêu của em
Lung linh trên cao vầng trăng dịu êm
Tỏa xuống ngọn núi nhìn dấu chân người
Ra đi mang theo mối tình đầu tiên
Anh xa cao nguyên cao nguyên đầy gió
Nơi đây ra đi bao nhiêu chàng trai
Một sớm ngồi hát bên ánh lửa rừng
Bâng khuâng trên trên tay chiếc vòng của em
Bâng khuâng trên tay chiếc vòng cầu hôn




Em trong tay anh mối tình đầu tiên
Một sớm yên lành người con gái ngồi thêu bên thềm
Rung rinh đôi vòng tay cầu hôn
Tỏa sáng dịu dàng, một khúc tình ca đợi chờ
Thương anh thương anh thêu áo em chờ anh
Đêm đêm đêm đêm tiếng sáo em gọi anh gọi anh
Gọi anh gọi anh cao nguyên đầy gió
Nơi đây ra đi bao nhiêu chàng trai
Một sớm ngồi hát bên ánh lửa rừng
Ai mang trên tay chiếc vòng của em
Em yêu cao nguyên cao nguyên đầy gió
Quê hương mênh mang điệu sáo buồn thương
Từng đêm chợt mơ thấy bóng anh về
Bâng khuâng trên tay chiếc vòng của em
Em trong tay anh mối tình dịu êm

Chiếc Vòng Cầu Hôn

Thời thơ ấu, nhà tôi có chiếc đài bán dẫn hay để đầu giường mẹ tôi. Vào thập niên 90 có chiếc đài như vậy cũng là quý lắm. Tuy còn nhỏ nhưng tôi rất ham thích các ca khúc cách mạng và cả những bản tình ca mà vẫn còn được phát đến tận bây giờ. Tôi còn nhớ khi ấy, cứ đến mỗi sáng thứ bảy tôi thường bật chương trình ca nhạc theo yêu cầu. Và một trong những ca khúc hầu như được phát trong chương trình đặc biệt mỗi tháng là bài “ Chiếc vòng cầu hôn” do nghệ sĩ Doãn Tần thể hiện. Có thể không quá phức tạp để trí tưởng tượng của một đứa trẻ hình dung ra câu chuyện tình yêu trong ca khúc. Nhưng với tôi khi đó tình yêu là một thứ chuyện cổ tích của người lớn: rất thiêng liêng, chung thủy và phải vượt qua nhiều thử thách mới đến được với nhau. Cổ tích ấy, giữa thời hiện tại tôi vẫn mong muốn được có khi bất chợt nghe đâu đó lại nghe được bài hát này qua tiếng hát Phương Thanh…
Một thời cuộc sống từng chìm trong miền đau thương khói lửa. Một thời những khát khao yêu thương đôi lứa phải nhường lại cho tình yêu Tổ quốc. Khó khăn là thế nhưng tình yêu lại dường như càng tỏa ánh sáng diệu kỳ cho những bước đường còn đang tìm đến ánh sáng của tự do. Những con người sống trong hoàn cảnh ấy tuy cách nhau trùng trùng sông núi nhưng trái tim lại luôn gần kề với một lý tưởng duy nhất: tự do cho hôm nay, tình yêu cho ngày mai.
Lớp lớp người đổ ra tiền tuyến vì lý tưởng ấy khi đã quyết định dời sang một bên tình cảm gia đình gắn bó. Trong số đó có thể là những người bố, người anh em trai cùng trong gia đình nhưng đa số là những thanh niên trai trẻ còn chưa đến 18 đã lên đường vì tiếng gọi của Tổ quốc. Họ chia tay trong quyến luyến người mình thương mến. Lời hẹn thề gửi lại chỉ vỏn vẹn là câu hứa chờ đợi hoặc nhắn nhủ người con gái hãy tự tìm hạnh phúc riêng nếu anh không thể trở về.
Một sớm yên lành một người lính rời xa quê nhà
mang theo chiếc vòng tay cầu hôn
Tỏa sáng dịu dàng, một khúc tình ca đợi chờ
theo anh theo anh trên những con đường xa,
ru anh ru anh trong những đêm vời xa vời xa

Nhạc sĩ: Trần Tiến


Trên cao nguyên bạt ngàn những cánh rừng xanh thẳm, những ngọn núi hùng vĩ cũng là nơi tồn tại những tình yêu cũng vĩ đại và thủy chung nhất. Nơi nắng lửa bỏng rát đằng đẵng suốt sáu tháng mùa khô không thể bạc màu thân cây Kơ nia chung thủy, nơi cơn mưa dữ dội cuốn băng cả phạt rừng cũng không át tiếng đàn đá gác nương. Và nơi tình yêu là bất diệt đến trọn đời với chỉ một bó củi hứa hôn. Cho tới khi ra đi vì bình yên cho đất nước thì trên tay những người yêu nhau đã gắn kết keo sơn là chiếc vòng cầu hôn.
Yêu thương và thủy chung cả trong những nỗi nhớ, cổ tích giữa những người yêu nhau đơn giản là mong chờ một ngày sum họp trọn vẹn. Dù ngày chạng vạng bắt đầu với những bước hành quân lặng lẽ hay đêm xuống chênh vênh với cái chết giữa bom đạn quân thù, người lính hôm nào ra đi bên bếp lửa nhà sàn vẫn dành trọn vẹn tình yêu cho người con gái đang từng ngày chờ đợi.
Chắc hẳn khi mối tình đầu tiên nảy nở cũng là khi người chiến sĩ bước chân ra chiến trường. Những lời yêu dấu có khi cũng chỉ kịp trao cùng lời tạm biệt. Để rồi những tháng ngày xa vời vợi sau đó, bước đường hành quân không sao nguôi thương nhớ người con gái nhỏ bé ngồi bên khung cửi.
Gọi anh gọi anh cao nguyên đầy gió
Nơi đây ra đi bao nhiêu chàng trai
Một sớm ngồi hát bên ánh lửa rừng
Ai mang trên tay chiếc vòng của em

Em yêu cao nguyên cao nguyên đầy gió
Quê hương mênh mang điệu sáo buồn thương
Từng đêm nằm mơ thấy bóng anh về
Bâng khuâng trên tay chiếc vòng của em
Em trong tay anh mối tình dịu êm

Người ta thường nói rằng nỗi nhớ người đi không thể bằng bao lo lắng người ở lại. khi chờ đợi và nỗi lòng thổn thức cứ lớn dần cùng những chất chứa yêu thương, người con gái ấy lại như bước thêm một bậc thang nữa lên căn nhà rông thiêng liêng của tình yêu son sắt. Và trong thâm tâm cô gái, tình cảm cô dành cho người lính nơi trận mạc cứ lặng lẽ ám ảnh thành nỗi lo sợ không ngày trở về đoàn tụ. Để mỗi sáng vác nước ngoài suối cô lại nghe như có tiếng người yêu gọi, về tới tán cây Kơ nia đầu bản lại thấy như bóng người yêu đang tới. Sẽ như tiếng sáo buồn ảm đạm mỗi đêm vút lên như lời đá núi day dứt, mãi mà người đi chẳng trở về ..
Như khi dân bản quây quần bên bếp hồng chờ kể chuyện Hơ-Amon mới tròn mùa lễ hội, lúc trẻ con hí hửng mê say cũng phải có giọng kể Tơ-roi, trai gái hò hẹn sẽ chưa thành đôi nếu thiếu tiếng Avòng trong buổi gặp mặt, người ta chờ nhau, đợi nhau chỉ có thể khi trong tim luôn khắc ghi một lời thề nguyền dù cho người kia chẳng trở về,.. Và dù cho là tình yêu mãi mãi như câu chuyện cổ tích, ngay cả giữa đời thường tôi cũng muốn đi tìm cho mình chiếc vòng cầu hôn..

Chị Tôi




Nhạc: Trọng Đài
Thơ: Đoàn Thị Tảo
Thể hiện: Mỹ Linh
Thế là chị ơi, rụng bông hoa gạo
Ô hay, trời không nín gió cho ngày chị sinh
Ngày chị sinh, trời cho làm thơ
Cho nét buồn vui bốn mùa trăn trở
Cho làm câu hát để người lý lơi

Ngày chị sinh, trời cho làm thơ
Vấn vương với sợi tơ trời
Tình riêng bỏ chợ
Tình người đa đoan.
Chị Tôi





Thi thoảng đi trên những con phố nhỏ vắng người giữa lòng thành phố, tôi hay miên man trong cảm giác buồn xa xứ.. Đã gần trọn hai mùa ở miền Bắc tôi xa quê hương, hai mùa mưa nắng ở đất Sài thành, tôi nhớ hoài làn gió mơn man của mùa thu. Ngoài đó, một mùa lá vàng rụng rơi đã về trước thềm nhà.. Mỗi bước chân đi dọc con phố lặng lẽ và đìu hiu, và thả mình trong tiếng nhạc dìu dặt từ chiếc mp3. Tôi thường chọn nghe những tiết tấu chậm buồn mà sâu lắng giữa độ tháng 10. Thật vô tình, .."thế là chị ơi, rụng bông hoa gạo..." cứ dịu dàng, ngân nga cùng nhịp cảm xúc...
Tôi nghe "Chị tôi" từ thời nào xa lắc, tôi cũng chẳng nhớ nữa. Chỉ biết vào thời điểm tôi ngẫm ra hình ảnh chị gái mình trong lời bài hát, tôi như chợt hiểu thêm nỗi buồn phảng phất nơi đuôi mắt của chị. Chất chứa trong tâm tư giấu kín như nỗi niềm chung của nhiều người phụ nữ Việt: khép lòng tự trở trăn...
"Thế là.." bao năm rồi, chị theo chồng và cũng là từng ấy năm tôi xa chị. Đôi ba lần chị về nhà, mang theo những lời thăm hỏi ba và dì, những quà bánh cho sắp em, theo cùng chị về là đôi mắt dịu dàng ươn ướt ... Chị như đẹp hơn với nét hiền thảo trong tà áo dài, đoan trang những cử chỉ ân cần, cái gật đầu rất khẽ và đâu đó thêm vào nét hao gầy nơi nét mặt... Nơi chị, cứ thảng lên nỗi buồn không nói, nhưng sao rất đỗi trầm tư .. Ấy là khi, những nhịp nhàng của âm nhạc cất lên tiếng lòng sâu lắng. Chị cho tôi nghe bản nhạc "Chị tôi". Chị bảo, bài hát rất hay và chỉ có những rung cảm rất riêng người phụ nữ mới hát lên giai điệu lắng đọng và sâu xa ấy. Và tôi đã nghe "Chị tôi" lần đầu tiên với giọng ca của Mỹ Linh như thế!
Nhạc sĩ: Trọng Đài
 Các ca sĩ khác trình bày:
Thế là chị ơi, rụng bông hoa gạo
Ô hay, trời không nín gió cho ngày chị sinh
Ngày chị sinh, trời cho làm thơ
Cho nét buồn vui bốn mùa trăn trở
Cho làm câu hát để người lý lơi

Hình ảnh chịu thương chịu khó, trải bao vất vả với tấm lòng nhân hậu đã in sâu vào tư tưởng, tâm hồn người phụ nữ Việt những lối mòn truân chuyên. Cứ như số trời đã định đoạt trước, ngoài tấm lòng dễ cảm thương, từ thời con gái mà người phụ nữ thường an phận với tất cả bước ngoặt cuộc đời. Trong lời bài hát "Chị Tôi" của Trọng Đài, cái ý thức ấy hững hờ và đành chịu ở mỗi từ bắt đầu bài hát :" Thế là .." Dễ khiến cho ta cái cảm giác mọi chuyện "đã rồi", từ cả trong ngày chị sinh đã định đoạt là ngày nổi gió, đến cả nét trầm tư trăn trở rồi cũng sẽ hằn in lên hình hài của chị.. Chẳng bao giờ tôi tin vào định mệnh, nhưng cũng thật ngỡ ngàng với cách ví von rằng, cuộc đời chị sẽ như một bài thơ buồn, như câu hát dài "để người lý lơi"…
Ngày chị sinh, trời cho làm thơ
Vấn vương với sợi tơ trời
Tình riêng bỏ chợ
Tình người đa đoan.

Một đời người khá dài và khó dự đoán trước mai này sẽ ra sao. Nhưng dường như, hình ảnh mẫu mực nhất cho loài người có lẽ là người mẹ và người chị. Rất nhiều trong các tác phẩm thi ca, nhạc họa hình ảnh người phụ nữ trở nên gần gũi và dễ chia sẻ. Có thể do chị là gạch nối giữa mẹ và ta, là tượng trưng cho sự giản dị và dễ đồng cảm. Có thể, chị còn là người mẹ trong tương lai. Mà ngay trong lời bài hát này, nơi chị đã nhiều nỗi " vấn vương". Do vậy mà một đời chị sẽ còn bươn chải và âu lo nhiều hơn, vất vả nhiều hơn cho dù cái đẹp ở chị có dịu dàng mà lan tỏa. Chị cứ như thế mà đằm thắm, nết na, đến cả đất trời cũng "làm thơ" mà ngẩn ngơ buồn cho cuộc đời ấy. Và dù trời báo trước một bi kịch cuộc đời sóng gió, chị còn biết gì hơn là phải chấp nhận cúi đầu bước tới.
Nơi khóe mắt của mẹ từng có giọt nước mắt thương con, còn ở đuôi mắt chị chất chứa cả tủi phận tình riêng. Giữa dòng đời xuôi ngược, những mảnh tình đi khắp bốn phương tìm kiếm thì riêng mình chị đành chịu một mối tình hẩm hiu, đem "bỏ chợ". Cái tình ấy, dù đã ngấm, đã say và vương vấn mà sao lại nấc nghẹn trong chữ "đa đoan". Và rồi, hình ảnh người phụ nữ lại cứ âm thầm đi theo một lối mòn xưa cũ, rằng số phận an bài, rằng nào biết gì hơn là chấp nhận. Cuộc đời ấy, sao u uẩn, bị lu mờ và ngang trái...
Ca khúc này không quá khó để cảm nhận được cái hồn thắm thiết và đa đoan của hình ảnh người chị trong đó. Nhưng quả thật, khi tiếng lòng nghẹn ngào được thả bỗng lên trời, để đọng lại chỉ là lời ca dịu dàng thắm đượm chút thứ tha..
Tôi biết bài hát này là ca khúc trong một bộ phim truyền hình, và chất trữ tình trong nó không phủ nhận vai trò của nhà thơ Đoàn Thị Tảo. Nhưng nếu để nghe độc lập một tác phẩm âm nhạc như thế này, tôi dám chắc rằng nhiều thế hệ sẽ vẫn cảm nhận được nỗi niềm riêng của người con gái "đa đoan" trong bài hát. Hình ảnh ấy, cách nhìn nhận ấy tuy rằng khá cổ điển nhưng trong cuộc sống thời hiện đại và hội nhập bây giờ,nhưng không phải là không tồn tại. Chất thơ và điệu nhạc trong bài hát như cùng hòa quyện và cùng tạo nên nỗi lòng cảm thông, sự nhỏ bé mà vô cùng đời người con gái.. Nếu bạn không có một buổi chiều đi dạo trên những con phố nhỏ, vắng người giữa lòng thành phố nhộn nhịp, để cảm nhận một nỗi buồn nào đó tha hương và lần nào đó chống chếnh trong cuộc đời, chỉ cần nghe "Chị tôi" và dường như thế là đủ...

Khúc Thụy Du





Nhạc: Anh Bằng
Thơ : Du Tử Lê
Trình bày: Xuân Phú
Hãy nói về cuộc đời
Khi tôi không còn nữa
Sẽ lấy được những gì
Về bên kia thế giới
Ngoài trống vắng mà thôi
Thụy ơi, và tình ơi !
Như loài chim bói cá
Trên cọc nhọn trăm năm
Tôi tìm đời đánh mất
Trong vũng nước cuộc đời
Thụy ơi, và tình ơi !
Đừng bao giờ em hỏi






Vì sao ta yêu nhau
Vì sao môi anh nóng
Vì sao tay anh lạnh
Vì sao thân anh rung
Vì sao chân không vững
Vì sao, và vì sao !
Hãy nói về cuộc đời
Tình yêu như lưỡi dao
Tình yêu như mũi nhọn
Êm ái và ngọt ngào
Cắt đứt cuộc tình đầu
Thụy bây giờ về đâu ?
Khúc Thụy Du
Giữa thành phố ồn ào và náo nhiệt này tôi thấy mình bé nhỏ và cô đơn đến kì lạ. Ở đâu chăng nữa, giữa đám bạn bè cười nói vô tư hay khi giữa đám đông của rockstorm tôi vẫn thấy mình lẻ loi và tâm trạng mang nỗi buồn hư ảo…
Có lẽ từ lúc anh bước ra khỏi cuộc đời cũng là lúc anh mang theo tất cả niềm vui và lẽ sống của tôi. Kể từ khi ấy, tôi bắt đầu cuộc sống với một phần trái tim như đã mất và lặng lẽ giữa tất cả mọi người. Không hi vọng gì ở cuộc sống tốt đẹp này, tôi chỉ âm thầm sống và nghĩ suy rất nhiều. Lúc nào trong đầu cũng hiện lên một câu hỏi lớn về anh, về tình yêu và về những gì sẽ đến. Vì sao và vì sao... ?
Ngày đi làm, đêm là khoảng thời gian tuyệt vời nhất đối với bất cứ ai muốn trải lòng suy nghĩ. Và không hiểu vì đâu và từ bao giờ mà tôi cũng bắt đầu có thói quen đi lang thang trong đêm. Có thể, vì đêm là người bạn đồng hành dễ chịu nhất, biết lắng nghe tâm tư của bất cứ ai trong yên lặng. Và đúng một lần tình cờ mà nên duyên, tôi gặp Thụy Du...
Hãy nói về cuộc đời
Khi tôi không còn nữa
Sẽ lấy được những gì
Về bên kia thế giới
Ngoài trống vắng mà thôi
Thụy ơi, và tình ơi!

Trên con đường khuya thanh vắng, thoạt đầu khúc nhạc êm dịu nhè nhẹ rồi hầu như ngay sau đó, bài hát như cất lên tiếng lòng của bất cứ ai đang chất chứa nhiều ưu phiền... Đó là lần đầu tiên tôi nghe "Khúc Thụy Du"!
Rồi tôi tìm đến nơi phát ra khúc nhạc êm dịu đó. Một quán cafe nhỏ nơi góc đường nép mình dưới những tán cây lớn, như run rẩy trong những ánh nến thắp chung quanh nhà. Tôi bước vào quán, ngồi xuống tựa mình vào mảng tường vàng ố vệt thời gian, gọi một ly cafe và nhấm nháp từng giai âm.
Nhạc sĩ: Anh Bằng
 Các ca sĩ khác trình bày:
Đừng bao giờ em hỏi
Vì sao mình yêu nhau
Vì sao môi anh nóng
Vì sao tay anh lạnh
Vì sao thân anh rung
Vì sao chân không vững
Vì sao và vì sao...

Tôi nhớ trong bức thư cuối cùng để lại, anh không nhắc đến ngày mai tôi sẽ ra sao, sẽ thế nào nếu không có anh bên cạnh. Anh đã nhẹ nhàng đến với tôi, trao cho tôi thuần nhất sự yêu thương, và giản đơn là tôi yêu anh vì anh là chính anh. Không bao giờ chúng tôi tự hỏi, có bao giờ hay đến bao giờ mình sẽ rời xa nhau. Trong thế giới phù phiếm và trăng hoa này, được yêu nhau đã là một diễm phúc để nhớ mà thôi. Có thể, sẽ đến lúc nào đó, chỉ có một câu hỏi duy nhất, đại loại như "Thụy bây giờ về đâu?"…
Sự êm ái trong từng nốt nhạc và lời tâm sự như từng giọt cafe rơi khẽ, bản nhạc này đã từng làm rung động bao trái tim biết yêu. Với nhiều người, nỗi buồn phải được cảm thông bởi chính nỗi buồn. Là khi bắt gặp một ca khúc như "Khúc Thụy Du" là thấy tri ân trò chuyện. Tôi ngồi đó nghe hết bản nhạc và rồi biết nên mỉm cười cay đắng mà bước tiếp phần đời còn lại. Dù sao, đó vẫn là một quyết định hơn là câu hỏi "Thụy bây giờ về đâu..."
Hãy nói về cuộc đời
Tình yêu như lưỡi dao
Tình yêu như mũi nhọn
Êm ái và ngọt ngào
Cắt đứt cuộc tình đầu
Thụy bây giờ về đâu

Ở đâu đó trong cuộc đời đầy bon chen và lối yêu đầy cạm bẫy, sự ra đi của một người tựa vết sắc nhọn thấu vào tim. Là khát khao ngọt ngào khi biết hi sinh cho những điều sau cùng tốt đẹp. Là đau đớn tột cùng với vết thương sẽ rỉ rê suốt phần đời còn lại. Là cuộc đời khắc khổ của loài bói cá chung thân trên những bờ bụi sông nước. Là bóng trăng mãn đời chìm dưới đáy nước ngó nhìn tình nhân trên cao. Có phải không, khi đã chia xa thì ta chơi vơi giữa một bên là thời gian vời vợi với một bên là khoảng chìm yêu thương đã mất. Yêu là yêu đến chết!?
Lo lắng và mệt mỏi đã mấy mùa cây đổi lá, lặng nhìn trong một giây chiếc là lìa cành, tâm hồn như giãn ra uể oải mà khoan khoái. Cuộc đời tuần hoàn bao giờ cũng có một mùa đông lặng lẽ, nghĩ suy cho nhiều mất mát và buồn thương. Để rồi lại tiếp tục sang một mùa mới, và hãy ráng sống vượt qua mọi trắc trở cuộc đời bởi vì: "Khi tôi không còn nữa, sẽ lấy được những gì, về bên kia thế giới, ngoài trống vắng mà thôi…"
"...Ta muốn hát trong những ngày khắc khoải
Một cọng rơm buộc lấy mảnh mây trời
Đừng cố giữ những gì còn sót lại
Không thuộc về mình... có níu cũng vuột thôi!..."

Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2011

Ca Dao Em Và Tôi


Sáng tác: An Thuyên
Trình bày: Quang Linh
Cắt nửa vầng trăng, cắt nửa vầng trăng tôi làm con đò nhỏ
Chặt đôi câu thơ, bẻ đôi câu thơ tôi làm mái chèo lướt sóng..
Đưa tôi về, đưa tôi về với người tôi yêu.
Để cùng hát khúc dân ca quê mình
Để tôi sống giữa bao nhiêu ân tình
Bao ân tình mộc mạc làng quê
Trưa nắng hè, gọi nhau râm ran chè xanh.
Cùng em khoác chiếc áo tơi ra đồng
Dù trời đổ nắng chang chang vẫn quàng
Để nghĩa tình đừng nhạt đừng phai
Thương nhau rồi đừng cởi áo cho ai…
Thuyền tình tôi cứ lênh đênh dòng trôi
Và người con gái tôi yêu nơi làng quê
Có ai ngờ, chân lấm bùn mà tôi ngỡ gót chân tiên ư ừ...




Cắt nửa vầng trăng, cắt nửa vầng trăng tôi làm con đò nhỏ,
Chặt đôi câu thơ, bẻ đôi câu thơ, tôi làm mái chèo lướt sóng
Đưa tôi về, đưa tôi về với người tôi yêu.
Để cùng ngâm khúc ca dao quê mùa,
Để nghe tiếng sáo thênh thênh cánh cò
Đã có lần em giận hờn tôi
Đêm ra đồng, em đổ ánh trăng vàng đi.
Nào ngờ chẳng chút nguôi ngoai hương buồn
Vầng trăng lại sáng trong hơn đầy đồng
Câu ca rằng hết giận rồi thương
Áo nâu sồng em nhuộm tình tôi…
Nào đâu dễ có phôi phai thời gian
Còn đây mãi khúc ca dao em và tôi
Chốn quê nghèo ta có mình
Một ngày bằng mấy trăm năm hỡi người…
Ca Dao Em Và Tôi
Đêm.
Trên triền đê gió mát lộng mang theo hương thơm của lúa chín, tôi thả hồn mình theo điệp khúc tiếng dế râm ran. Đã lâu lắm rồi tôi mới lại về quê. Từng ấy thời gian lang bạt khắp nơi trong thành phố tôi không tìm được nơi nào yên bình như quê mình. Quyện vào trong nỗi nhớ thương quê hương da diết là hương thơm của mùa gặt, mùi nồng của đất, vị man mát của lá tre,.. tất cả khiến tâm hồn ngập tràn vị giác. Nếu có điều gì đó thiếu, thì chắc là mùi thơm tóc em mà thôi ..
Tóc em thơm hương hoa bưởi và suôn dài đen nhánh. Hàng tóc mái tựa dài trên đôi mắt huyền đầy trầm ngâm. Em ít cười nhưng mỗi lần cười lại mang cả mùa hạ vào trong những câu chuyện kể. Trong những câu chuyện đó, có đôi nửa vầng trăng không lẻ bạn, có hạ nguồn con sông luôn chờ trông một bóng thuyền và cũng ở nơi đó, tình yêu như bức tranh dệt nên bằng lời tâm tình tha thiết. Chỉ mới xa em một thời gian đi lập nghiệp mà tới khi tôi quay trở về, em đã rời làng quê từ khi nào..
Tôi nhớ những đêm trăng thanh như hôm nay. Cả con đê dài uốn lượn sau những lũy tre, đồng bãi đẹp giản dị ngời lên trong ánh sáng trắng bạc. Từ cuối làng, những đôi nam thanh nữ tú cứ hẹn lúc trăng lên đến ngọn cây là tụ tập ra ngoài triền đê này ngắm sông nước. Hôm nay bóng trăng lấp lóa mặt sông lại như hẹn thề mà cũng như đùa bỡn. Tôi trót mang tình đầu với lời hẹn quay trở lại mà người con gái ấy bây giờ đâu còn dõi đôi mắt buồn chờ đợi nữa.. Có thể, thuyền đã sang sông..
 Các ca sĩ khác trình bày:
Cắt nửa vầng trăng,
Cắt nửa vầng trăng tôi làm con đò nhỏ
Chặt đôi câu thơ,
Bẻ đôi câu thơ tôi làm mái chèo lướt sóng
Đưa tôi về, đưa tôi về với người tôi yêu

Thành thị là chốn phồn hoa và đầy mộng quyến rũ. Nhưng ở đó con người không có được tính chân chất thật thà như nơi thôn dã. Một khi rời quê hương với những cánh đồng rộng sải cánh cò bay, với câu hò điệu lí thắm đượm nghĩa tình, ta mới thấy hết được giá trị của hai từ quê hương. Khi tôi xa em và xa làng quê mình, tôi chỉ mong mưu sinh một thời gian rồi sẽ trở lại trong một ngày sớm nhất. Nên trong mình không khi nào tôi nguôi ngoai những ngày tháng kỉ niệm về em. Như điệu hò quê mình ghi sâu vào lòng người, như kẻ xa xứ vẫn hướng về quê hương một tình cảm trọn vẹn nhất.
Có đi xa mới thấy, một chút gió mát trong ngày hè nắng chói gợi lên bao tâm tình cố xứ. Ngày ông bà ta xưa còn chân trần theo sau lưng trâu, chỉ có chiếc áo tơi kết bằng rơm rạ, đội cả mưa nắng sớm hôm ngoài đồng. Khó khăn và vất vả như thế mà họ vẫn thương yêu nhau hết lòng. Chiếc áo tơi ấy thời này còn đâu nữa. Nhưng nói là thế để biết tôi và em có thể cách xa nhau mà mình vẫn có thể chung nhau một mảnh trăng, một câu ca nặng ân tình, rằng “thương nhau rồi đừng cởi áo cho ai..”
Hết đêm gần sáng. Ánh trăng nhạt dần rồi nhường chỗ cho ngày lên. Một không gian thoảng chút cỏ đẫm sương đêm còn mơn man trong gió. Đâu đó trong làng gà đã gáy và người cày cuốc đã lại ra đồng. Chốn nhà thưa vườn rộng đón chào bình minh rất đỗi đời thường với cánh cò trắng ăn đêm quay về tổ, với tiếng gà lập bập cánh gáy vang, với tiếng lộc cộc trâu ra đồng... Khung cảnh ấy đơn giản và chất phác đến bình dị. Tình người lại líu lo trên mỗi thửa ruộng vào vụ lúa chín. Lúc trên môi em thường nở nụ cười, ấy đã là khi mùa này bồ thóc cao tới nóc. Và em không phải lo đến việc mình sẽ làm gì cho những tháng ngày giáp hạt. Em có còn nhớ những mùa vàng rộn tiếng cười, tiếng máy tuốt lúa? Hay vì thóc đã về nhà chỉ còn vơi nửa và em xa tôi cũng vì cuộc sống bon chen?..

Tôi sẽ lại ra đi trong một ngày cuối hạ, khi lúa đã về tới tận những ngôi nhà cuối làng. Em có thể sẽ về lại mà không gặp được tôi vào vụ mùa chiêm. Nhưng giữa bao đổi thay của cuộc sống, tình cảm đôi lứa cũng bị chút tầm thường vật chất cuốn trôi. Giá như có thể đổi những đêm trăng sao đầy trời lấy một ngôi nhà kín bốn bức vách. Giá như đổi chút gió trời thoảng hương nồng của đất với tiếng rế gáy râm ran lấy sự tiện nghi hờ hững trong không gian thành thị chật hẹp. Nếu như sự giận hờn chỉ dừng lại sau lũy tre làng và con trăng không mỗi tháng thay đổi đường đi lối về, .. mọi thứ cứ bình yên trong cái làng nhỏ bé thì có chắc giờ này em phải xa tôi.. Lãng mạn đời thường giờ có thể chỉ như lời em nói: ”hết giận rồi thương”!..
Tôi thấy được trong “Ca dao em và tôi” có chút lặng lẽ và thắm đượm vẻ hiền thảo của một cô gái quê. Với tấm áo nâu đất, đôi gót chân lấm bùn, với giận hờn đêm trăng, đôi bát nước chè xanh và tấm áo tơi cũ kỹ.. Tình yêu trong sáng và lãng mạn nhưng quá đỗi đời thường và giản đơn nơi làng quê ấy không thể bắt gặp đâu khác trong “Ca dao em và tôi”. Tình khúc mà qua thời gian, sự hào nhoáng vật chất của xã hội hiện đại phải dừng lại ngoài con thuyền tình trở lại chốn cũ quê nghèo, nơi ân tình sâu đậm khiến một ngày bằng mấy trăm năm, hỡi người...
Mèo Còi

Bức Thư Tình Thứ 2


Sáng tác: Đỗ Bảo
Trình bày: Hồ Quỳnh Hương
Có khi bước trên đường hun hút.
Em tự hỏi mình, ta đang đi về đâu?
Nếu ngày ấy em không đi về phía anh.
Không gặp nhau, giờ này ta thế nào?

Có khi nhìn kim đồng hồ quay.
Em tự hỏi mình, ý nghĩa những phút giây!
Nếu ngày ấy, vào một phút giây khác
Có chắc, mình trông thấy nhau.

Nếu thời gian có quay trở lại.
Ngày em gặp anh, ngày cơn gió bồi hồi.
Em sẽ vẫn bước về phía ấy
Phía tầm rèm hoa khung cửa sổ nắng nơi anh ngồi




Gọi em "người xinh đẹp ơi"!
Xin hãy gọi em, như xưa anh đã gọi.

Nếu không gian có quay trở lại
Đêm có nến vàng, đêm sắc hoa tươi.
Em sẽ vẫn đợi, khoảnh khắc ấy.
Khoảnh khắc thấy mùa hạnh phúc đang trào dâng
Lặng nghe, lời thì thầm anh nói:
"Anh yêu em, anh yêu em rất nhiều"

Nhìn theo, đường hun hút còn xa, xin cám ơn nhưng điều đã qua
Gọi anh người đương thời ơi, em yêu anh, em yêu anh rất nhiều.
Nhìn theo, đường hun hút còn xa, xin cám ơn nhưng điều đã qua
Gọi anh người đương thời ơi, em yêu anh, em yêu anh rất nhiều

Bức Thư Tình Thứ 2

Không gian chợt nhiên tĩnh lặng như thể đón chờ một điều gì sắp tới. Em hít thật sâu, nhìn một cách bâng quơ không chủ đích. Rồi thì kỉ niệm hiện lên mỗi lúc rõ hơn trong mắt em theo từng tiếng tí tách của phút giây. Chính là khỏanh khắc mà anh và em ở cùng nhau.

Em nhớ những món điểm tâm mình chuẩn bị cho nhau năm cuối cấp. Lúc thì món mì xào hòanh tráng, nhưng đôi khi chỉ đơn giản là một bịch sữa mà thôi . Và những lúc anh làm cho em giận, anh năn nỉ với vẻ mặt ngô nghê khiến em phải bật cười đến rơi nước mắt. Anh tít mắt cười rồi bảo em: “Ngốc ạ!”.

Nếu thời gian có quay trở lại.
Ngày em gặp anh, ngày cơn gió bồi hồi.
Em sẽ vẫn bước về phía ấy
Phía tầm rèm buông khung cửa sổ nắng nơi anh ngồi
Gọi em "người xinh đẹp ơi"
Hãy cứ gọi em, như xưa anh đã gọi.
Nhạc sĩ: Đỗ Bảo

Trong thước phim kỉ niệm ấy, em đã gặp lại con đường xưa quen thuộc với những tán thông già chạy dọc theo bờ sông. Dù là trong nắng sớm hay cả những chiều mưa, bất kể khi nào em muốn thì anh cũng sẵn sàng đi cùng em.

Em vẫn vô tư xem anh như bạn thân, mà chẳng nghĩ gì khác cho đến một ngày … Em vẫn nhớ là một ngày mưa thật lớn, em đùa rằng là bệnh và chẳng muốn ăn gì. Ngay sau đó, anh dầm mưa mang cháo đến. Em giận bảo anh sao ngốc thế? Rồi sững người khi anh nói “Vì anh yêu em”.

Cuối cùng thì cái khỏanh khắc tìm được tình yêu cho riêng mình cũng xuất hiện. Tình yêu đến với em không chút ồn ào như sóng lơn, cũng chẳng vội vàng như cơn gió thóang qua.. Nó đến thật tự nhiên như hoa đào nở mừng xuân mới, đến nhẹ nhàng bằng ngôn ngữ con tim.

Nhìn theo, đường hun hút còn xa,
Xin cám ơn nhưng điều đã qua
Gọi anh người đương thời ơi,
Em yêu anh, em yêu anh rất nhiều


Hạnh phúc thực sự đang trào dâng trong em. Em thật may mắn nhận được một món quà kì diệu đó từ anh. Và chỉ có tình yêu chân thành mới có thể giữ cho ta bên nhau đến trọn đợi.
“Anh à! Em yêu anh rất nhiều”
.

Bức Họa Đồng Quê


Tác giả: Văn Phụng
Trình bày: Thanh Thảo
Trời xanh xanh bao la mây trắng trắng trắng xóa
Tia nắng tưng bừng chiếu trên đồng lúa vàng
Đàn chim chim chim non đang ríu ríu rít hót
Tung cánh bay nhẹ lướt trên cành la đà
Từ xa xa xa xa nghe thoáng thoáng tiếng hát
Thôn nữ bên đồng lúa ca lời mơ màng
Tình tang tang tang tang tang tính tính tính tính
Du khách nâng nhẹ phím buông nhẹ tơ vàng Hỡi nắng hãy sáng lên để ngàn hoa tươi thắm hơn
Hỡi gió hãy cuốn lên để đồng xanh tươi mát hơn
Thôn quê hân hoan mừng ngày mùa sang,
Người người hò vang, đàn hòa tình tang, nhịp nhàng vẳng xa Hò lơ ho lơ, Hò lơ ho lơ ho lơ...





Hò lơ ho lơ, Hò lơ ho lơ hó lơ. Ơi anh em ơi còn gì đẹp tươi. Còn gì mừng vui bằng ngày mùa mới gặt về thảnh thơi Chàng trai vui câu ca thôn nữ cất tiếng hát. Em bé nô đùa giỡn luôn miệng tươi cười
Đồng quê hôm nay vui. Vui với thóc lúa mới
Cho bõ công cày cấy bao ngày mong chờ
Chàng trai say say say thôn nữ giã giã giã
Em bé đưa miệng cắn đôi hạt lúa vàng
Vầng trăng nhô lên cao soi sáng khắp lối xóm
Ai nấy vui làm với muôn ngàn câu hò.
Bức Họa Đồng Quê
Tôi về quê, mùa này trời trong xanh như ngọc. Khung cảnh đồng lúa trải ra trước mắt bao la một màu vàng óng, thấp thoáng nơi xa từng cánh chim chao lượn tầng không tạo cho tôi một cảm giác dịu nhẹ, thanh bình. Bức hoạ đồng quê của riêng tôi vẫn như thế, bao năm rồi vẫn thế...
Qua mấy con rạch, mấy cái mương là đến nhà ngoại. Nhà dưới bưng nên phải đi một đoạn đường bộ khá dài mới vào được khoảng sân thân thuộc ngày nào. Trước sân, ngoại đang ngồi trên chiếc giường tre, chẻ từng cọng lạt, con Nô sủa ầm làm ánh nhìn của ngoại dáo dác... rồi như chợt sáng bừng khi thấy tôi về - đứa cháu xa nhà mà ngoại luôn hết mực yêu thương.
Quê tôi quanh năm sống bằng nghề nông. Cơ cực là thế nhưng chưa bao giờ tôi nghe một lời than vãn. Từ những mảnh ruộng bạt ngàn này, biết bao đời cây lúa đã vàng ươm, trĩu hạt... biết bao nhiêu lần những ngày mùa luôn rộn rã tiếng nói cười. Ngồi tựa lưng vào rặn tre già trước ngõ, hít thật sâu vào buồng ngực cái không khí thân quen, tôi như chợt thấm thía hơn câu hát ngày nào mà ngoại đã ru "quê hương là con diều biếc, tuổi thơ con thả trên đồng, quê hương là con đò nhỏ, êm đềm khua nước bên sông..."
Nhạc sĩ: Văn Phụng
 Các ca sĩ khác trình bày:
Ngày mùa xôn xao, thôn nữ hân hoan những bước chân vui trên triền đê, tay ôm từng cụm lúa chín vàng vừa gặt đặt dọc hai bên đường. Những anh trai làng khoẻ khoắn đập từng nhát mạnh, làm tung hạt thóc lên trời cao xanh thẳm. Những câu hò, điệu lý lại được dịp mang ra đối đáp. Không khí mùa gặt như hứng khởi, rộn ràng, xua tan những mệt nhọc, những giọt mồ hôi bằng nụ cười của những con người đầy sức sống bình dị, hồn nhiên. Bản đồng dao mùa gặt cứ thế vang lên, trầm ấm, rộn ràng mà sao tha thiết quá. Thật ý nghĩa khi một lần nữa tôi được chìm đắm trong không gian như thế, khi mà khói lam chiều bắt đầu len lỏi trên khắp những con đê làng. Trăng lên rồi mà sao tiếng cười giòn tan của những cô thôn nữ sau một ngày gặt vẫn không dứt, cứ mãi ngân nga.
Ngoại dọn mâm cơm, hạt cơm trắng ngần thơm mùa gạo mới... Món ăn quê nhà chỉ qua quýt đơn sơ, dĩa rau luộc, mẻ cá kho, tô canh mướp mà ăn không biết no là gì... Quả thật là quê hương luôn có một sức mạnh diệu kì, để dù có đi xa đến đâu, chúng ta vẫn nhớ ngày trở lại.

Minh Ngọc
Sáng tác: Bảo Chấn
Thể hiện: Thanh Lam
Tình ơi sao đi mãi nên sông dài mênh mông
Bàn tay ôm nỗi nhớ xôn xao biển rộng
Vì em mất anh mất anh
Mùa xuân đã qua rất nhanh
Còn chăng nỗi đau nỗi đau tuổi xanh

Tình anh như cơn lũ cuốn đôi bờ mưa giông
Tình em như sông vắng trong xanh phẳng lặng
Mùa thu đã qua đã qua
Mùa đông đã sang đã sang
Tình đã ra đi vội vàng

Khi anh xa em, sóng thôi không xô bờ
Khi em xa anh, đá chơ vơ
Con sông lang thang đã khô nơi đầu nguồn
                                                          Bên em bên em, biển đã chết




Bên Em Là Biển Rộng
Là một tác phẩm âm nhạc được khá nhiều các ca sỹ, nghệ sỹ thể hiện thành công, "Bên em là biển rộng" của nhạc sỹ Bảo Chấn không quá nổi bật trong ca thức nhưng vẫn là một trong những bài hát được nhiều người yêu thích.
Vẫn theo một phong cách lãng mạn mang dấu ấn cá nhân của riêng Bảo Chấn mà nhiều người lầm tưởng "Bên em là biển rộng" giống như nhiều ca khúc khác. Thực tế, ca khúc này nằm trong một loạt các sáng tác nổi tiếng cùng thời như: "Nơi ấy bình yên", "Nỗi nhớ dịu êm".. "Bên em là biển rộng" tìm đến sự thể hiện dung dị trong ca từ kết hợp với chất nhạc du dương, trữ tình do đó mà nó thẩm thấu vào lòng người không ít sự đồng cảm khi tình yêu dường như chỉ còn là sự đơn côi tiếc nuối..
Các ca sĩ khác trình bày
Tình ơi sao đi mãi nên sông dài mênh mông
Bàn tay ôm nỗi nhớ xôn xao biển rộng
Vì em mất anh mất anh
Mùa xuân đã qua rất nhanh
Còn chăng nỗi đau nỗi đau tuổi xanh 
Tình anh như cơn lũ cuốn đôi bờ mưa giông
Tình em như sông vắng trong xanh phẳng lặng
Mùa thu đã qua đã qua
Mùa đông đã sang đã sang
Tình đã ra đi vội vàng
Khi anh xa em, sóng thôi không xô bờ
Khi em xa anh, đá chơ vơ
Con sông lang thang đã khô nơi đầu nguồn
Bên em bên em, biển đã chết
Tình yêu dường như với nhiều người thật to lớn mà khi mất đi sẽ là nỗi mất mát không gì bù đắp nổi. Cũng như con người đứng trước biển lớn, bỗng nhiên thấy mình lẻ loi và trống vắng đến lạnh lòng. Có yêu rồi mới hiểu cảm giác được yêu hạnh phúc đến nhường nào. Dù có lúc nào đó nhận ra tình cảm trao cho nhau dường như chỉ khác ở cách thể hiện mà không mảy may nghĩ suy có thật vì một bên là sự dịu dàng thuần khiết với một bên là sự vội vàng mà tình cũng sẽ chóng nhạt phai. Và tới khi đã thật sự xa rời nhau rồi, thứ tình đó vẫn còn như men rượu: phảng phất hương say mà đã vội bay vào gió.. Niềm cô đơn dần xâm lấn tâm hồn khi yêu và đáp đền cho sự mong chờ là những lời hứa chóng quên. Tưởng như đâu đó, bên tai vẫn còn gầm gào tiếng sóng mà trước mặt biển lớn cũng rút xa cuối đường chân trời..
Được thể hiện một cách mạnh mẽ với giọng nam trầm của Tuấn Hưng hay sự da diết và lưu luyến như ở ca sỹ Hồng Nhung nhưng "Bên em là biển rộng" nằm trong album "Khát vọng" với tiếng hát của nghệ sỹ Thanh Lam vẫn mang một âm điệu sâu lắng và một chút gì đó như lời tâm sự của một người con gái với tình yêu xa khuất của chính mình.. Lời tâm tình ấy dễ làm những tâm hồn mong manh dễ vỡ. Nhưng không phải vì thế mà bên đời sẽ mãi hiu quạnh chỉ một bóng hình mà hãy luôn nghĩ rằng, mình chỉ là hạt cát nhỏ bên bờ một biển lớn tình yêu
Huy Hoàng

Bài Hát Xưa

Sáng tác: Quốc Bảo
Trình bày: Thủy Tiên
Và anh không còn giữ em trong tay gần
Và anh không bước ra thêm ngoài mơ êm
Chợt lòng rồi trời đã đêm hơn rồi, mà thiếu anh, giấc mơ trắng của riêng em nay
Này anh nghe bài hát kia, ấm vang lại, từ câu vui đã chứa chan tình thơ ngây
Chiều tàn rồi, bài hát nguôi ngoai rồi mà vẫn đau
Áo em trắng, là giữ cho anh

Anh quên chăng lời ca hôm xưa viết riêng cho tình
Anh quên chăng vườn hoa năm xưa đầy gió
Anh quên chăng tình ca cho em hát trong hơi mòn
Tình ngây thơ và tình ngây ngô chưa kịp vui hết Xuân thì
Giữ mãi anh trong mơ, không vỡ đâu




Bài Hát Xưa
Lướt đi nhẹ nhàng trong chiều thu, dễ làm người ta thấy nỗi lòng cứ dâng đầy nhớ nhung về một kỉ niệm xa cũ và về một ai đó cũng đã xưa. Và dù hình bóng ngày nào vẫn luôn trong tâm tư, đầy yêu thương giờ như lại càng thêm hiển hiện.. Những kỉ niệm dẫn dắt tình cảm trong một khúc phim nhớ ...
Thi thoảng trong nỗi nhớ em, tôi thường đi dạo quanh bờ hồ này, tới những ghế đá quen ấy, đặt mình xuống và thầm nghĩ rốt cuộc, tình là chữ viết nên bởi cả hai người .." Và anh không còn giữ em trong tay gần" mới thấy cuộc sống có vị nhạt biết bao, "và anh không bước ra thêm ngoài mơ em.." để tiếp tục nhận ra rằng chỉ em là duy nhất.. Càng những chiều xuống bằng ánh nắng hồng tía, càng thêm những nỗi nhớ thương đong đầy bằng kỉ niệm.
Và anh không còn giữ em trong tay gần
Và anh không bước xa thêm ngoài mơ em
Chật lòng rồi, trời đã đêm hơn rồi mà thiếu anh
Giấc mơ trắng của riêng em đây
Nhạc sĩ: Quốc Bảo
Và khi em đã xa.. Tôi đi tìm hơi ấm của em ngày nào qua các con phố quen khi mùa này, gió lạnh cuốn đi từng nhịp thở. Tôi đã bất chợt nghe thấy đâu đó tiếng cười lảnh lót của em, ngay cả giữa con phố đông đầy nhóc xe cộ. Và để tôi hiểu rằng chỉ có nỗi nhớ làm bạn.
Và khi em đã xa.. Tôi nhận ra em là thế giới tôi cứ mãi kiếm tìm mà không hay lại ở ngay cạnh bên. Một thời gian dài, sao tôi vô tình nghĩ rằng, có em vẫn chưa hẳn đủ đầy. Cho đến khi, cuộc sống hầu như êm xuôi, mọi thứ dường như sắp đặt hoàn hảo đến dư thừa, em lại là phần thiếu thốn không gì bù đắp được.
Bầu trời cứ thế dần tan vào trong màu tím sẫm rồi đen huyền để chở gió mây vào đêm. Đến khi những ánh sao nhấp nháy, vầng trăng nhô dần lên từ chân trời, tôi vẫn cố gắng đi về phía đồi cây phía xa. Nơi mọi thứ gặp nhau là tình cờ, và biết đâu, sẽ lại mang em trở lại. Và nếu em trở lại, chỉ có thể là nơi kì diệu này đây. Vì gió cứ lặng im không thể nói, và vì ánh trăng cứ làm thinh nên tôi sẽ thử để một lần nữa, đem tâm hồn nhớ thả lên trời. Đôi mắt ngỡ ngàng trước những vì sao nhấp nháy, môi mơn man trong làn gió như cận kề hơi thở ai rất quen, dịu dàng tiếng hàng cây trăn trở, rằng:
Anh quên chăng lời ca hôm xưa viết riêng cho tình
Anh quên chăng đường hoa đêm xưa đầy gió
Anh quên chăng tình ca cho em hát trong hơi mòn
Tình ngây thơ và tình ngây ngô chưa kịp vui hết xuân thì
Giữ mãi anh trong mơ không vỡ đâu

Tôi biết mình đã quá quen hình hài em, đến khi em ra đi thì mới thấy trống vắng. Tôi lãng quên những phút giây có hương sắc đêm nào, cũng giữa vườn đầy trăng và gió này. Tôi không nhớ những lời thì thầm bên tai mà mải quẩn quanh những nơi vui chơi xa xỉ.. Và giờ, nhờ đêm lẻ, tình mất, nỗi nhớ cô độc gợi lên kí ức xa xưa. Giờ này, chỉ còn là nuối tiếc, một tiếng vang cười rớt lại hồn nhiên và nhớ...
Mèo Còi

Bài Ca Không Quên


Sáng tác: Phạm Minh Tuấn
Trình bày: Cẩm Vân
Có một bài ca không bao giờ quên
Là lời đất nước tôi chẳng phút bình yên
Có một bài ca không bao giờ quên
Là lời mẹ ru con đêm đêm
Bài ca tôi không quên, tôi không quên
Tháng ngày vất vả
Bài ca tôi không quên, tôi không quên
Gót mòn hành quân hối hả
Làm bạn cùng trăng và ôm súng ngắm sao khuya
Có một bài ca không bao giờ quên
Là mẹ dõi bước con bạc tóc thời gian
Có một bài ca không bao giờ quên
Là rừng lạnh ru đêm trăng sương
Bài ca tôi không quên, tôi không quên
Những người đã ngả




Bài ca tôi không quên, tôi không quên
Gửi trọn đời cho tất cả
Là đồng đội tôi còn ôm súng giữ biên cương
Nhưng giờ đây có giây phút bình yên, sao tôi quên?
Có giây phút bình yên sao tôi quên, sao tôi quên?
Bài ca tôi đã hát, bài ca tôi đã hát
Với quê hương, với bạn bè, với cả cuộc đời
Tôi không thể nào quên
Bài ca tôi đã hát, bài ca tôi đã hát
Với em yêu, với đồng đội, với cả lòng mình
Tôi không thể nào quên, tôi không thể nào quên...
Có một bài ca không bao giờ quên
Là thành phố nhớ nhung một dáng hình ai
Có một bài ca không bao giờ quên
Là cả mùa xuân tim không phai

Bài ca tôi không quên, tôi không quên
Những mùa nước đổ
Bài ca tôi không quên, tôi không quên
Em chống xuồng vượt qua pháo nổ
Chỉ một lần quen mà mang nỗi nhớ mênh mông
Có một bài ca không bao giờ quên
Là lời đất nước tôi chẳng phút bình yên
Có một bài ca không bao giờ quên
Là lời mẹ ru con đêm đêm

Bài ca tôi không quên, tôi không quên
Đất rừng xứ lạ
Bài ca tôi không quên, tôi không quên
Bước dồn đường khuya đói lả
Gạo hẩm cầm hơi một điếu thuốc cũng chia đôi.

Nhưng giờ đây có giây phút bình yên sao tôi quên
Có giây phút bình yên sao tôi quên, sao tôi quên?
Bài ca tôi đã hát, bài ca tôi đã hát
Với quê hương, với bạn bè, với cả cuộc đời
Tôi không thể nào quên!
Bài ca tôi đã hát, bài ca tôi đã hát
Với em yêu, với đồng đội, với cả lòng mình
Tôi không thể nào quên!
Có một bài ca không bao giờ quên
Bài Ca Không Quên
Chiến tranh! Nhắc đến từ đó người ta thường nói đến một quá khứ hào hùng trong lịch sử Việt Nam. Vì thế cũng có thể đơn giản hiểu tại sao cho tới bây giờ nhiều người trên thế giới này mỗi khi nói đến "Việt Nam" lại nghĩ ngay đến "chiến tranh" - điều đó khiến bạn, một người Việt Nam thấy như thế nào: buồn hay tự hào? Tôi cũng từng được một người đặt ra cho mình câu hỏi đó...
Rất nhiều sách báo đã nói về một Việt Nam ghi dấu ấn trong lòng bè bạn thế giới là một Việt Nam anh hùng. Với mấy nghìn năm lịch sử dựng nước cũng là từng ấy thời gian dân tộc Việt Nam chống giặc giữ nước. Một lịch sử quá đậm nét sử thi từ thời các Hùng Vương cho tới khi giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Làm sao không nhắc đến chiến tranh cho được khi chính ở trong đó người Việt Nam đã có nhiều bài học sâu sắc, trưởng thành và vững vàng cho đến ngày nay. Phải thế chăng mà người Việt sẽ còn nhắc mãi và không bao giờ quên niềm tự hào về những vết thương chiến tích còn sạm đen trên thân thể đất Việt.
Niềm tự hào ấy, lời nhắc nhở ấy đậm sâu được miêu tả rất nhiều lần trong thơ ca và những bài hát đi cùng năm tháng. Một trong số những tác phẩm đó có thể nói đến "Bài ca không quên" của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn. Nhạc phẩm này xuất hiện lần đầu tiên năm 1981 trong bộ phim cùng tên với sự thể hiện qua tiếng hát ca sĩ Cẩm Vân. Cũng kể từ đó, theo lời nghệ sĩ Cẩm Vân - " Bài ca không quên không còn là của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn hay ca sĩ Cẩm Vân mà đã trở thành tác phẩm của công chúng" ...
Chỉ riêng tựa đề của bài hát đã nói lên khá nhiều điều khiến ai cũng phải suy nghĩ. Đặc biệt khi nói đến nền độc lập và thái bình tự do tại Việt Nam thì không thể không tỏ lòng biết ơn đến những chiến công và sự hi sinh quên mình không chỉ của những chiến sĩ, đồng bào, những lãnh tụ sáng suốt mà còn của chính người mẹ lớn: Việt Nam - Đất nước đã sinh ra tâm hồn yêu nước thương nòi tha thiết, truyền thống dựng xây chung tay đoàn kết, tinh thần chiến đấu chiến thắng kiên trung và những tình cảm dạt dào niềm tin một ngày mai tươi sáng...
Nhạc sĩ: Phạm Minh Tuấn
 Các ca sĩ khác trình bày:
"Bài ca không quên" đặc biệt được yêu thích hơn 20 năm nay bởi chính sự giản dị trong ca từ, những giai điệu nhẹ nhàng da diết chất chứa trong đó lòng biết ơn và mong muốn đền đáp công ơn và sự hi sinh không vụ lợi. Tràn ngập trong bài hát là những hình ảnh rất đỗi bình dị như "lời mẹ ru con đêm đêm", "những tháng ngày hành quân vất vả", "đất rừng xứ lạ" .. nhưng cũng đẹp lạ lùng mà lại khiến người ta phải dừng lại nghĩ suy, một chút lòng thương và day dứt. Ấy là người mẹ hậu phương trông ngóng tin con nơi chiến trường mà bạc tóc thời gian; là khi người chiến sĩ cả đêm trăng đứng gác mà vẫn ôm súng ngắm sao khuya; là bước đường hành quân đói lả nhưng điếu thuốc vẫn chia đôi, dù rừng lạnh sương giăng dồn bước hành quân trong cơn sốt rét vẫn gửi trọn niềm tin vào ngày độc lập; là chỉ một lần quen người em gái chống xuông vượt qua pháo nổ mà nên lời yêu không nói...

Vẻ đẹp lãng mạn và sự bi tráng trong nhạc phẩm không những vẽ lên bằng hình ảnh về một quãng thời gian hào hùng của lịch sử mà từ đó thêm nhắc nhở ý thức trách nhiệm về cuộc sống hiện tại của mỗi người sống sao cho xứng đáng với những gian khổ và hi sinh của bao người đã giành độc lập cho Tổ quốc. Trong thời điểm hiện tại, điệp khúc cuối của bài hát vẫn như còn vang vọng mãi về những công ơn ấy:

Nhưng giờ đây có giây phút bình yên
Sao tôi quên
Có giây phút bình yên sao tôi quên sao tôi quên
Bài ca tôi đã hát
Bài ca tôi đã hát với em yêu , với đồng đội với cả lòng mình
Tôi không thể nào quên
Tôi không thể nào quên.


"Bài ca không quên" gắn liền với tên tuổi của ca sĩ Cẩm Vân từ thập niên 80, cho đến nay thì với chặng đường âm nhạc khá lâu bền, tác phẩm này cũng xuất hiện trong album cùng tên mới phát hành tháng 12 vừa qua. Với 8 ca khúc quen thuộc của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn: Bài ca không quên, Lối nhỏ vào đời, Thành phố tình yêu và nỗi nhớ, Đất nước, Khát vọng, Mùa xuân, Rừng gọi, Sao biển, tập hợp trong album "Bài ca không quên" - một album mà giọng hát không mới, hòa âm không mới, bài hát không mới nhưng đó dường như là sự thủy chung, là sự thương nhớ, là ký ức ngày xưa của chị dành cho những người yêu mến chị.

Sống giữa những bận rộn cuộc sống hàng ngày, nghe đâu đó một bài ca Cách mạng, mà đặc biệt là "Bài ca không quên", tôi thấy thêm yêu mến những gì mình có, quý trọng những phút giây bình yên của cuộc sống để mà tiếp tục làm việc và biết cho đi nhiều hơn…

Có một lần, khi nói chuyện với một người bạn người Mỹ, người đó cũng đã hỏi tôi "Người ta nhắc đến Việt Nam thì không hay nói đến thành viên WTO hay thành viên dự bị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, mà nhắc đến một Việt Nam đang phát triển hay thậm chí còn trong chiến tranh. Cậu thấy sao?" Và tôi đã trả lời rằng: tôi tự hào về quãng thời gian làm nên một Việt Nam lịch sử, chiến tranh đã qua đi và bây giờ tôi tưởng nhớ nó để thấy Việt Nam đã lớn lên rất nhiều, điều đó quan trọng hơn và làm thay đổi ấn tượng của mọi người về Việt Nam. Đó là "Bài ca không quên" trong trái tim tôi..
.
Theo Huy Hoàng

Ánh Mắt Của Cha


Sáng tác: Minh Châu
Trình bày: Lam Trường
Ngày xưa khi con thơ dại, thường quẩn quanh bên cha mỗi ngày
Để hằng đêm sân khấu lên đèn là bao giọt mồ hôi của cha
Con vẫn đứng khép nép bên cha và lặng lẽ nghe những tiếng thở dài
Đằng sau những vinh quang nào ai biết đến cha nhọc nhằn (lặng thầm).

Rồi khi đêm tan ánh đèn, cha đến bên ôm con vỗ về
Nhìn ánh mắt của cha già, con thấy tình thương yêu thiết tha
Một đời cha lo gánh mưu sinh vì tương lai của đứa con mình
Trong ánh mắt hy vọng, mong ngày mai con yêu thành công

Rồi từng ngày khôn lớn, chẳng quên được ánh mắt cha hôm nào
Trong tim luôn ghi nhớ những hy vọng ngày nào cha đã trao
Rồi hôm nay vinh quang đã về đây, giữa mênh mông lung linh bao ánh đèn
Hàng đêm con rung lên tiếng ca với bao yêu dấu kính dâng về cha





Cha ơi! Có nghe tiếng nói của con
Hôm nay đứa con xưa đã nên người
Xin dâng ngàn câu hát tạ ơn.
Mãi mãi sống trong con bóng hình cha
Ánh Mắt Của Cha
Bước chân vội vã ra khỏi nhà mỗi sáng đi làm hay mệt mỏi chạy xe lúc tan tầm trở về, tôi không mấy để ý đến những con người quanh mình cũng đang xuôi ngược trên đường. Vốn dĩ sống ở nơi thành phố phồn hoa và năng động nhất cả nước, bạn không thể chậm hơn ai dù chỉ một bước để cạnh tranh và đua cùng chính năng lực của mình. Thi thoảng bắt gặp đâu đó góc đường những cậu bé đánh giầy thất thểu hay những cụ già khất thực lom khom bước qua vạch sơn ở ngã tư nào đó, tôi lại có đôi chút nao lòng. Nhưng rồi những mưu toan cuộc sống, trách nhiệm hoàn thành công việc, những khi rã rời mà vẫn phải gượng đứng dậy vượt qua bản thân,.. vẫn lại xô đẩy người ta xa rời khối tình cảm thân thiện trong tim mỗi người. Chừng đó áp lực cũng đè nặng lên vai bất kì ai và hầu như chỉ chờ chực đến một thời điểm mệt mỏi đến cùng kiệt mà vỡ òa ra ; như những lúc cô đơn trở về nhà, những dịp cuối tuần lẻ loi, những hạnh phúc nhỏ bé bên gia đình bắt gặp ở đâu đó và nhớ ...
Như những ngày quá nắng tự tay sửa cây quạt điện, như lúc trời mưa như trút phải tự chạy về cất đồ cho khỏi ướt, như lúc buồn bã nghe đâu đó khúc nhạc "Ánh mắt của cha", những kỷ niệm bên gia đình và về ba lại khẽ khàng thoát ra khỏi bao nghĩ suy công việc và cuộc sống và thảnh thơi nhớ .. Thời gian xa gia đình có lẽ là thời gian tôi nhận ra nhiều điều không trường lớp nào dạy bảo. Đó là tình yêu của cha mẹ cho con cái, là tình máu mủ ruột thịt "anh em như thể tay chân" gắn kết với mỗi người ngay cả khi đã dặm dài cách xa. Và cho đến bây giờ, người tôi nhớ nhất, hướng về mỗi lúc vấp váp trong đời là ba tôi.
Tôi từng có những ngày thơ bé dại khờ. Có những giận dỗi trẻ con. Có lúc ích kỷ, niềm vui không muốn sẻ chia. Sống trong tình yêu của người thân gia đình, tôi cứ mãi muốn nhỏ bé hoài giữa những cái bóng lớn ấy để được dựa dẫm, được chăm lo từng ngày. Điều mà tôi giữ lại nhiều nhất đến lúc này có lẽ là những lời khuyên bảo của chị và lời răn dạy của ba. Thường người ta không mấy khi nhận ra giá trị của nó, cho đến khi thực sự một mình đứng giữa cuộc đời. Tôi cũng vậy. Cho đến ngày dám tự mình bon chen giữa dòng đời, giữa thật giả và đen trắng lẫn lộn, giá trị của những lời ba nói mà tôi những tưởng là quá vãng lại là nguồn động lực lớn giúp tôi vượt qua thử thách. Và tôi gắng gượng làm lại, đứng dậy và tin rằng ba luôn bên cạnh.
Nhưng chợt một ngày tôi hay tin ba ngã bệnh! Tôi đột nhiên trở nên lo lắng và mong ước trở về gia đình, trở về bên ba. Ý nghĩ muốn trở về quê thăm ba trỗi dậy. Cùng với nó là những ký ức về ba vụt tái hiện lại. Tôi đã từng nghĩ ba ghét mình vì ba rất hay cằn nhằn mỗi khi tôi trốn học hay la rầy mỗi tối tôi trở về nhà sau cả ngày chơi dài. Thậm chí có lúc tôi thấy mình không hề được tôn trọng khi muốn làm việc này việc khác. Có vẻ như tôi xử sự như cách người ta vẫn thấy ở một đứa trẻ. Vào thời điểm biết tin ba ốm phải vào viện mà tôi thì ở xa nhà là lúc tôi suy nghĩ và trưởng thành lên nhiều nhất.
Nhạc sĩ: Minh Châu
 Các ca sĩ khác trình bày:
Vì tôi hiểu ba tôi đã hi sinh cuộc sống hạnh phúc riêng tư của mình như thế nào để nuôi dạy chị em tôi nên người. Mỗi lần ba trở về nhà từ chỗ làm, có lẽ mọi mệt mỏi sẽ tan biến khi ba muốn nhìn thấy tôi ngồi đó học bài. Hay mỗi lúc tôi trốn học ham chơi, có thể ba không còn ôm ấp nựng nịu tôi như ngày bé nhưng tình cảm đó vẫn âm thầm trong mỗi lời cha răn đe. Ba cũng đã cố gắng tìm cho tôi một việc làm và tôi thì miễn cưỡng cảm ơn ba bằng cách đùn đẩy việc cho người khác.
Cũng từ những suy nghĩ quá bé dại khi bên ba mà tình cảm giờ đây cho ba trong tôi càng lớn dần lên. Một đời lo toan cuộc sống, một đời ấp ôm hi vọng cho con cái trưởng thành, ba làm việc không mệt mỏi cho đến khi ngã bệnh. Và lúc ba cần có tôi bên cạnh nhất thì tôi không có ở bên. Tôi không thể trở về ngay lúc ấy và chỉ có thể gọi điện, hỏi thăm ba, hơi có chút trách móc sao ba lại làm việc quên mình thế. Lời trách móc đầu tiên với ba không phải để cho mong muốn của tôi mà vì tôi quá lo nghĩ cho ba. Tôi nhận ra nụ cười của ba trong giọng nói và tôi khóc...
Hành trang cho con ngày lên đường xa nhà là những món đồ cần thiết nhất, những lời khuyên cẩn thận và lời chúc bình an, con đã ngại ngùng mà không ôm ba một lần để thêm yêu hơi ấm thân thương. Nhưng bằng cách nào đó, con dường như hiểu được ánh mắt long lanh ngấn nước của ba tiễn bước con có biết bao điều không cần nói thành lời. Và mỗi bước con lớn hơn lên, mỗi lần con phải đối diện khốn khó trong đời những tình cảm và sự hi sinh của ba như giúp con thêm vững lòng đi tới. Con chưa từng lần nào nói ra, nhưng chắc ba sẽ hiểu, ba à, con cảm ơn ba nhiều lắm!
Tình cảm nào cũng thật đáng trân trọng nhưng với tôi thì tình cảm hướng về gia đình, về mái nhà thân yêu là tình cảm thiêng liêng nhất. Tôi yêu những ngày thơ ấu bên gia đình, nhưng lại càng thêm biết trân trọng nó hơn khi giờ đây đã một mình bước ra cuộc sống một cách tự lập và dám dấn thân.
Ơn nghĩa sinh thành và dưỡng dục của ba mẹ suốt một đời là tấm gương cho con cái dõi theo. Và chắc hẳn vì lý do đó mà biết bao bài ca, tác phẩm âm nhạc nhắc đến lòng biết ơn và tình cảm những người con hướng về cha mẹ. Riêng tôi mỗi lần nghe "Ánh mắt của cha" của nhạc sĩ Minh Châu tôi càng thêm tự hào về ba mình. Dù không sống trong ánh đèn sân khấu và cũng chưa có được vinh quang trong đời nhưng tôi hiểu và cảm bài hát theo cách của riêng mình. Tuy nhiên, trong ca khúc ấy ai cũng có thể thấy được hình ảnh người cha, người đỡ đầu của mình. Lời ca cũng là những mưu sinh cho gia đình, là tình cảm dành cho con cái, cũng là sự hi sinh của ba và mong ước hi vọng một ngày đứa con của mình sẽ thành người. Nhưng hơn hết thảy "Ánh mắt của cha" là lời tri ân của những người con với đấng sinh thành của mình, là sự biết ơn những yêu thương thầm lặng ba dành cho và một lời hứa thành công dâng tặng và đền đáp công ơn của ba!
"Xin dâng ngàn câu hát tạ ơn.
Mãi mãi sống trong con bóng hình cha…"
..

Huy Hoàng

Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà


Sáng tác: Phạm Duy
Trình bày: Đức Tuấn
Nàng có ba người anh đi bộ đội lâu rồi!

Nàng có đôi người em có em chưa biết nói
Tóc nàng hãy còn xanh, tóc nàng hãy còn xanh...
Tôi là người chiến binh xa gia đình đi kháng chiến
Tôi yêu nàng như yêu người em gái tôi yêu
Người em gái tôi yêu, người em gái tôi yêu.
Ngày hợp hôn tôi mặc đồ hành quân
Bùn đồng quê bết đôi giầy chến sĩ
Tôi mới từ xa nơi đơn vị về
Tôi mới từ xa nơi đơn vị về
Nàng cười vui bên anh chồng "kỳ khôi"
Thời loạn ly có ai cần áo cưới?
Cưới vừa xong là tôi đi.
Cưới vừa xong là tôi đi ...
Từ chốn xa xôi nhớ về ái ngại
Lấy chồng chiến binh mấy người trở lại?







Mà nhỡ khi mình không về
Thì thương người vợ, bé bỏng chiều quê.
Nhưng không chết người trai chiến sĩ
Mà chết người gái nhỏ miền xuôi
Nhưng không chết người trai chiến sĩ
Mà chết người gái nhỏ miền xuôi
Nhưng không chết người trai chiến sĩ
Mà chết người gái nhỏ miền xuôi
Hỡi ôi ! Hỡi ôi !
Tôi về không gặp nàng
Má ngồi bên mộ vàng
Chiếc bình hoa ngày cưới
Đã thành chiếc bình hương
Nhớ xưa em hiền hoà
Áo anh em viền tà
Nhớ người yêu mầu tím
Nhớ người yêu mầu sim!
Giờ phút lìa đời
Chẳng được nói một lời
Chẳng được ngó mặt người!
Nàng có ba người anh đi bộ đội lâu rồi!
Nàng có đôi người em, những em thơ sẽ lớn
Tóc nàng hãy còn xanh, tóc nàng hãy còn xanh
Ôi một chiều mưa rừng nơi chiến trường Đông Bắc
Ba người anh được tin người em gái thương đau
Và tin dữ đi mau, rồi tin cưới đi sau.
Chiều hành quân qua những đồi sim
Những đồi sim, những đồi sim, đồi tím hoa sim
Tím cả chiều hoang biền biệt ...
Rồi mùa Thu trên những dòng sông
Những dòng sông, những dòng sông làn gió Thu sang
Gió rờn rợn trên mộ vàng
Chiều hành quân qua những đồi sim
Những đoàn quân, những đoàn quân và tiếng quân ca
Có lời nào ru ời ợi!
À ơi ! À ới ! Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chết sớm, mẹ già chưa khâu!
Những đồi sim, những đồi sim, đồi tím hoa sim
Đồi tím hoa sim, đồi tím hoa sim
Đồi tím hoa sim, đồi tím hoa sim
Đồi tím hoa sim ...
Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà
Nền âm nhạc Việt Nam có rất nhiều những nhạc sĩ tên tuổi và cũng hàng ngàn đứa con tinh thần của các nhạc sĩ ấy cho đến ngày nay vẫn còn được vinh danh. Một trong những cây đại thụ trong nền âm nhạc Việt Nam - nhạc sĩ Phạm Duy với những tình khúc xuyên suốt hàng thập kỷ đã nuôi dưỡng biết bao tâm hồn người Việt. Và nói về những tình khúc mang nhiều cung bậc tình cảm nhất của nhạc sĩ, phải nhắc đến tác phẩm "Áo anh sứt chỉ đường tà" - một đại diện tiêu biểu không chỉ cho âm nhạc trữ tình Việt Nam mà còn phác thảo lại bức tranh Việt chân thực về tình yêu người chiến sĩ, tình cảm người hậu phương trong cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược.
"Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà", do nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc năm 1970 từ bài thơ "Màu tím hoa sim" của nhà thơ Hữu Loan được sáng tác vào thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Nhạc phẩm này trung thành với nguyên bản "Màu Tím Hoa Sim," tức là theo lối kể chuyện.
Bài hát là một câu chuyện buồn xuyên suốt mối tình lãng mạn nhưng cũng bi liệt giữa người thiếu nữ hậu phương và người chiến sĩ ngoài tiền tuyến. Một người thiếu nữ "tóc xanh" đẹp mộng mơ lớn lên trong gia đình truyên thống cách mạng với "ba người anh đi bộ đội lâu rồi". Như những mối tình có hậu khác, nàng lấy chồng là anh "chiến binh xa gia đình đi kháng chiến". Nhưng thời chiến, nụ cười ngày cưới cũng không trọn vẹn, không áo cưới, không tuần trăng mật, đôi vợ chồng ấy xa lìa nhau cũng vì tiếng gọi đất nước kháng chiến. Lời hẹn thề không dám nói, những nghĩ suy cho nhau thấp thỏm theo từng tin chiến trận, mối tình ấy cũng như bao cuộc chia ly thời loạn bị thử thách qua hàng ngày chạy loạn bom dội nơi đồng quê, hàng đêm trắng bước chân hành quân mở đường cứu nước. Đến một ngày, tin dữ lại báo từ hậu phương ra nơi tiền tuyến, người vợ, người em gái quê nhà đã qua đời...
Việt Nam trải qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, có những tích truyện mang tầm vóc lịch sử hùng tráng, nhưng cũng có thể liệt kê ra những mẩu chuyện đầy tính nhân văn và tự hào dân tộc. Chất chứa trong những tấm lòng người Việt chịu thương chịu khó còn là tính nhẫn nhịn biết hi sinh vì nghĩa lớn cho tình yêu đất nước. Tính cách đó được thể hiện không ít qua rất nhiều tác phẩm thi nhạc và "Áo anh sứt chỉ đường tà" là một ví dụ điển hình. Trong bài hát có thể thấy được những con người đôn hậu, chất phác, những hoàn cảnh gia đình, những nhân vật thành viên mang đặc điểm dân tộc Việt thuần khiết.
Một chút trần thuật hóm hỉnh, một chút vận dụng kho tàng ca dao Việt Nam, lời bài hát tựa như lời kể của người trong cuộc, một người chiến sĩ yêu quê hương, yêu người vợ trẻ xa chồng vì nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Trong cách kể đó, dù nội dung phần kết câu chuyện rất thương đau và khiến người nghe xúc động, nhưng với những tiết tấu hành khúc mang âm hưởng trữ tình lãng mạn đã khiến cho cả câu chuyện và cũng là nhạc phẩm không rơi vào trạng thái bi lụy, sầu cảm.
Không chỉ dừng lại ở việc mô tả sâu sắc một câu chuyện tình buồn, nhạc phẩm còn thể hiện vẻ đẹp sáng trong những ca từ gợi nhiều hình ảnh và một lối diễn xướng tài tình trên nền nhạc nhịp hành khúc mang phong cách trữ tình tiêu biểu cho âm nhạc Việt Nam trong thời chiến. Và phải kể đến nhạc sỹ Phạm Duy như người sáng tạo nên những cảm xúc cho ca sĩ thể hiện để đem đến cho người nghe một chút bâng khuâng, nỗi lòng cảm thông và tự hào cho một lớp người đã hi sinh nhắm đến nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
Tác phẩm được thể hiện qua rất nhiều giọng ca: Hiền Thục, Elvis Phương, qua tiếng đàn của nghệ sĩ Văn Vượng,.. nhưng nếu nghe ở đâu đó trong một phòng trà ở thành phố Hồ Chí Minh, Đức Tuấn trình bày live tác phẩm này, dù là người hiếm khi nghe "nhạc xưa" , ai đó sẽ không khỏi giật mình, "chắn chắn đây là một bài hát vàng đó chứ!"...

Mèo Còi