Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2011

Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà


Sáng tác: Phạm Duy
Trình bày: Đức Tuấn
Nàng có ba người anh đi bộ đội lâu rồi!

Nàng có đôi người em có em chưa biết nói
Tóc nàng hãy còn xanh, tóc nàng hãy còn xanh...
Tôi là người chiến binh xa gia đình đi kháng chiến
Tôi yêu nàng như yêu người em gái tôi yêu
Người em gái tôi yêu, người em gái tôi yêu.
Ngày hợp hôn tôi mặc đồ hành quân
Bùn đồng quê bết đôi giầy chến sĩ
Tôi mới từ xa nơi đơn vị về
Tôi mới từ xa nơi đơn vị về
Nàng cười vui bên anh chồng "kỳ khôi"
Thời loạn ly có ai cần áo cưới?
Cưới vừa xong là tôi đi.
Cưới vừa xong là tôi đi ...
Từ chốn xa xôi nhớ về ái ngại
Lấy chồng chiến binh mấy người trở lại?







Mà nhỡ khi mình không về
Thì thương người vợ, bé bỏng chiều quê.
Nhưng không chết người trai chiến sĩ
Mà chết người gái nhỏ miền xuôi
Nhưng không chết người trai chiến sĩ
Mà chết người gái nhỏ miền xuôi
Nhưng không chết người trai chiến sĩ
Mà chết người gái nhỏ miền xuôi
Hỡi ôi ! Hỡi ôi !
Tôi về không gặp nàng
Má ngồi bên mộ vàng
Chiếc bình hoa ngày cưới
Đã thành chiếc bình hương
Nhớ xưa em hiền hoà
Áo anh em viền tà
Nhớ người yêu mầu tím
Nhớ người yêu mầu sim!
Giờ phút lìa đời
Chẳng được nói một lời
Chẳng được ngó mặt người!
Nàng có ba người anh đi bộ đội lâu rồi!
Nàng có đôi người em, những em thơ sẽ lớn
Tóc nàng hãy còn xanh, tóc nàng hãy còn xanh
Ôi một chiều mưa rừng nơi chiến trường Đông Bắc
Ba người anh được tin người em gái thương đau
Và tin dữ đi mau, rồi tin cưới đi sau.
Chiều hành quân qua những đồi sim
Những đồi sim, những đồi sim, đồi tím hoa sim
Tím cả chiều hoang biền biệt ...
Rồi mùa Thu trên những dòng sông
Những dòng sông, những dòng sông làn gió Thu sang
Gió rờn rợn trên mộ vàng
Chiều hành quân qua những đồi sim
Những đoàn quân, những đoàn quân và tiếng quân ca
Có lời nào ru ời ợi!
À ơi ! À ới ! Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chết sớm, mẹ già chưa khâu!
Những đồi sim, những đồi sim, đồi tím hoa sim
Đồi tím hoa sim, đồi tím hoa sim
Đồi tím hoa sim, đồi tím hoa sim
Đồi tím hoa sim ...
Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà
Nền âm nhạc Việt Nam có rất nhiều những nhạc sĩ tên tuổi và cũng hàng ngàn đứa con tinh thần của các nhạc sĩ ấy cho đến ngày nay vẫn còn được vinh danh. Một trong những cây đại thụ trong nền âm nhạc Việt Nam - nhạc sĩ Phạm Duy với những tình khúc xuyên suốt hàng thập kỷ đã nuôi dưỡng biết bao tâm hồn người Việt. Và nói về những tình khúc mang nhiều cung bậc tình cảm nhất của nhạc sĩ, phải nhắc đến tác phẩm "Áo anh sứt chỉ đường tà" - một đại diện tiêu biểu không chỉ cho âm nhạc trữ tình Việt Nam mà còn phác thảo lại bức tranh Việt chân thực về tình yêu người chiến sĩ, tình cảm người hậu phương trong cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược.
"Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà", do nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc năm 1970 từ bài thơ "Màu tím hoa sim" của nhà thơ Hữu Loan được sáng tác vào thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Nhạc phẩm này trung thành với nguyên bản "Màu Tím Hoa Sim," tức là theo lối kể chuyện.
Bài hát là một câu chuyện buồn xuyên suốt mối tình lãng mạn nhưng cũng bi liệt giữa người thiếu nữ hậu phương và người chiến sĩ ngoài tiền tuyến. Một người thiếu nữ "tóc xanh" đẹp mộng mơ lớn lên trong gia đình truyên thống cách mạng với "ba người anh đi bộ đội lâu rồi". Như những mối tình có hậu khác, nàng lấy chồng là anh "chiến binh xa gia đình đi kháng chiến". Nhưng thời chiến, nụ cười ngày cưới cũng không trọn vẹn, không áo cưới, không tuần trăng mật, đôi vợ chồng ấy xa lìa nhau cũng vì tiếng gọi đất nước kháng chiến. Lời hẹn thề không dám nói, những nghĩ suy cho nhau thấp thỏm theo từng tin chiến trận, mối tình ấy cũng như bao cuộc chia ly thời loạn bị thử thách qua hàng ngày chạy loạn bom dội nơi đồng quê, hàng đêm trắng bước chân hành quân mở đường cứu nước. Đến một ngày, tin dữ lại báo từ hậu phương ra nơi tiền tuyến, người vợ, người em gái quê nhà đã qua đời...
Việt Nam trải qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, có những tích truyện mang tầm vóc lịch sử hùng tráng, nhưng cũng có thể liệt kê ra những mẩu chuyện đầy tính nhân văn và tự hào dân tộc. Chất chứa trong những tấm lòng người Việt chịu thương chịu khó còn là tính nhẫn nhịn biết hi sinh vì nghĩa lớn cho tình yêu đất nước. Tính cách đó được thể hiện không ít qua rất nhiều tác phẩm thi nhạc và "Áo anh sứt chỉ đường tà" là một ví dụ điển hình. Trong bài hát có thể thấy được những con người đôn hậu, chất phác, những hoàn cảnh gia đình, những nhân vật thành viên mang đặc điểm dân tộc Việt thuần khiết.
Một chút trần thuật hóm hỉnh, một chút vận dụng kho tàng ca dao Việt Nam, lời bài hát tựa như lời kể của người trong cuộc, một người chiến sĩ yêu quê hương, yêu người vợ trẻ xa chồng vì nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Trong cách kể đó, dù nội dung phần kết câu chuyện rất thương đau và khiến người nghe xúc động, nhưng với những tiết tấu hành khúc mang âm hưởng trữ tình lãng mạn đã khiến cho cả câu chuyện và cũng là nhạc phẩm không rơi vào trạng thái bi lụy, sầu cảm.
Không chỉ dừng lại ở việc mô tả sâu sắc một câu chuyện tình buồn, nhạc phẩm còn thể hiện vẻ đẹp sáng trong những ca từ gợi nhiều hình ảnh và một lối diễn xướng tài tình trên nền nhạc nhịp hành khúc mang phong cách trữ tình tiêu biểu cho âm nhạc Việt Nam trong thời chiến. Và phải kể đến nhạc sỹ Phạm Duy như người sáng tạo nên những cảm xúc cho ca sĩ thể hiện để đem đến cho người nghe một chút bâng khuâng, nỗi lòng cảm thông và tự hào cho một lớp người đã hi sinh nhắm đến nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
Tác phẩm được thể hiện qua rất nhiều giọng ca: Hiền Thục, Elvis Phương, qua tiếng đàn của nghệ sĩ Văn Vượng,.. nhưng nếu nghe ở đâu đó trong một phòng trà ở thành phố Hồ Chí Minh, Đức Tuấn trình bày live tác phẩm này, dù là người hiếm khi nghe "nhạc xưa" , ai đó sẽ không khỏi giật mình, "chắn chắn đây là một bài hát vàng đó chứ!"...

Mèo Còi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét